Với chủ đề “Cô Tô – Dấu ấn đảo xanh”, mùa du lịch Cô Tô (Quảng Ninh) hè 2023 đã bắt đầu khởi động đầy sôi động, hứa hẹn mang đến cho du khách những sản phẩm, trải nghiệm du lịch mới mẻ, hấp dẫn chưa từng có. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu đón 250.000 lượt khách, với tổng doanh thu du lịch, dịch vụ đạt khoảng 700 tỷ đồng trong năm 2023 và tiếp tục phát triển du lịch Cô Tô theo hướng du lịch xanh, tăng trưởng bền vững trong những năm tiếp theo. 

Hấp dẫn các sản phẩm du lịch mới

Được mệnh danh là thiên đường du lịch biển đảo, mùa hè này đến với đảo ngọc Cô Tô, du khách sẽ không khỏi bất ngờ khi được trải nghiệm những sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo. Đặc sản của Cô Tô ngoài hải sản tươi ngon thì chính là những bãi biển đẹp. Sở hữu vẻ hoang sơ, thơ mộng cùng làn nước trong xanh hiền hòa, những bãi cát trắng mịn trải dài, mùa hè ở Cô Tô trở nên thú vị và hấp dẫn với mỗi du khách khi được đắm mình trong sự chan hòa của thiên nhiên với biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, mùa hè này cùng với bãi tắm Vàn Chảy (xã Đồng Tiến), Cô Tô sẽ đưa vào hoạt động thêm 2 bãi tắm nữa gồm bãi Hồng Vàn (xã Đồng Tiến) và Ba Châu (xã Thanh Lân). 

Bãi biển Ba Châu đẹp hoang sơ, thơ mộng

Điểm nhấn tạo sự khác biệt cho du lịch Cô Tô mùa hè này là hàng loạt các sản phẩm du lịch mới, như: Sản phẩm lặn biển thể thao giải trí tại 3 khu vực Hòn Chim, Vụng Tròn, bãi Ngọc Trai (xã Thanh Lân) – đây cũng là sản phẩm lặn biển đầu tiên của du lịch miền Bắc; sản phẩm bãi cắm trại du lịch tại bãi biển Ba Châu (xã Thanh Lân) gắn với các hoạt động chèo sup, chèo thuyền kayak, câu cá…; tour tham quan đảo gần bờ gồm 4 đảo: Cô Tô, Thanh Lân, Cô Tô con và Cá Chép; lễ thượng cờ cho du khách vào sáng thứ 7 tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô; tổ chức các chương trình tại tuyến phố đi bộ gắn với đặc trưng ẩm thực biển, các hoạt động điểm hẹn âm nhạc dịp cuối tuần… Cùng với đó, huyện sẽ phối hợp với các đơn vị triển khai các sản phẩm du lịch gắn với thể thao, quảng bá du lịch địa phương như giải bơi lội, đua xe đạp, đua mô tô…

Anh Nguyễn Hải Linh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cô Tô, cho biết: Sau những tác động của đại dịch Covid-19, xu hướng du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, du lịch theo gia đình, nhóm nhỏ đang dần chiếm ưu thế. Nắm bắt xu thế này, mùa hè năm nay, Cô Tô đưa vào triển khai các sản phẩm du lịch mới, tập trung phát triển tại khu vực xã Thanh Lân. Qua đó, góp phần mở rộng không gian, giảm thiểu áp lực về du lịch, môi trường cho khu vực đảo Cô Tô lớn.

Bãi đá Cầu Mỵ với những phiến đá xếp tầng tạo nên một cảnh quan đặc sắc. Ảnh: Hùng Sơn

Cô Tô cũng là địa phương đi đầu của tỉnh thực hiện chuyển đổi số trong phát triển du lịch. Theo đó, huyện đã hoàn thiện số hóa các tuyến đường, tuyến phố, các điểm đến bãi tắm, khu di tích, điểm tham quan… trên địa bàn huyện. Đồng thời, triển khai thuyết minh du lịch tự động tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô từ đầu tháng 1/2023 và sẽ thực hiện trên các xe điện trong tháng 4 này.

Với thế mạnh du lịch biển đảo sẽ đón lượng khách tăng cao vào mùa cao điểm hè, đặc biệt từ dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 trở đi, sau kì nghỉ Tết Nguyên đán, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch từ lưu trú, nhà hàng trên địa bàn huyện đã bắt tay vào chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất để phục vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách.

Nhân viên Khách sạn Thanh Măng (thị trấn Cô Tô) dọn dẹp phòng chuẩn bị đón khách du lịch

Chị Phạm Thị Dung, chủ nhà hàng Biển Đông (thị trấn Cô Tô), cho biết: Sau khi dịch được kiểm soát, từ hè năm ngoái, lượng khách du lịch đến Cô Tô đã tăng cao trở lại, hứa hẹn năm nay lượng khách sẽ “bùng nổ” hơn bởi Cô Tô hè này có rất nhiều sản phẩm du lịch mới. Chúng tôi cũng đang tất bật sửa sang lại nhà hàng, mở rộng thêm diện tích, làm các phòng khách vip để phục vụ du khách. Ngoài ra, chúng tôi cũng tuyển thêm đầu bếp, nhân viên phục vụ để kịp thời hướng dẫn các kỹ năng ứng xử, phục vụ du khách đảm bảo chu đáo, lịch sự; rà soát, thực hiện niêm yết công khai giá dịch vụ, sản phẩm với mong muốn tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách về hình ảnh du lịch Cô Tô văn minh, thân thiện, mến khách.

Trên địa bàn huyện Cô Tô hiện có 186 cơ sở lưu trú với 3.000 phòng nghỉ, đảm bảo đáp ứng cho 10.000 khách/ngày; có trên 60 nhà hàng phục vụ cho 6.000 khách/ngày, với trên 50 điểm mua sắm, vui chơi giải trí cơ bản đáp ứng nhu cầu du khách mùa du lịch cao điểm hè.

Xem ngay:  Nguyên nhân dậy thì sớm ở trẻ mà ba mẹ cần lưu ý

Đọc thêm:

https://bonbelanha.com/2-dia-diem-du-lich-tai-doan-hung-phu-tho-ma-ban-nen-ghe-tham/

Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch

Du khách đạp xe, trải nghiệm khám phá Cô Tô. Ảnh: Trang Đào (Trung tâm TT-VH Cô Tô)

Du lịch Cô Tô năm 2023 tập trung thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu gồm: Xây dựng, phát triển, định vị thương hiệu du lịch Cô Tô gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa biển, đảo. Đổi mới phương thức, công cụ, nội dung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến điểm đến Cô Tô; tăng cường quảng bá các điểm đến ít được biết đến, khắc phục tính mùa vụ trong du lịch.

Đồng thời, tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân, du khách trong thực hiện bảo vệ môi trường tự nhiên, thực hiện hiệu quả Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”; đẩy mạnh công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch; tập trung thu hút đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại làm cơ sở để triển khai và phát triển các sản phẩm du lịch mới…

Để hiện thực hóa được các mục tiêu này, huyện Cô Tô tiếp tục chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức nhằm giới thiệu cho du khách, các nhà đầu tư về tiềm năng, thế mạnh của du lịch Cô Tô. Huyện đã xây dựng cổng thông tin du lịch “Du lịch Cô Tô – Thiên đường du lịch biển” (cototourism.vn) đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2023 nhằm cung cấp cho các nhà đầu tư, du khách một cách cơ bản về thông tin du lịch Cô Tô từ điểm đến vui chơi, nhà hàng, khách sạn, thời tiết, cách di chuyển, ẩm thực, hoạt động bảo vệ môi trường, văn hóa… Sau 3 tháng, trang thông tin đã có hơn 18.000 lượt truy cập.

Đặc biệt, với chiến dịch truyền thông quảng bá “Cô Tô – Dấu ấn đảo xanh” chào mừng năm du lịch 2023, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện đang tập trung thực hiện chiến dịch quảng bá du lịch Cô Tô thông qua bộ ấn phẩm du lịch online với cung cấp các thông tin du lịch dưới dạng inforgraphic và 6 video quảng bá du lịch Cô Tô theo chủ đề cụ thể, để đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo… Cùng với đó, trong năm 2023, huyện sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo và chương trình farmtrip giới thiệu và xúc tiến du lịch Cô Tô; hội nghị triển khai các giải pháp thu hút khách du lịch đến Cô Tô mùa thấp điểm với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch, các chuyên gia, các đơn vị truyền thông, báo chí…

Cổng thông tin du lịch “Du lịch Cô Tô – Thiên đường du lịch biển” (cototourism.vn) của huyện Cô Tô

Với chủ đề “Cô Tô – Dấu ấn đảo xanh”, lễ khai mạc mùa du lịch hè Cô Tô năm 2023 là sự kiện quan trọng nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hoá, tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc của huyện. Lễ khai mạc diễn ra ngày 1/4 tại quảng trường trước Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, gồm các hoạt động: Công bố các sản phẩm du lịch mới, bãi tắm du lịch trên địa bàn huyện; các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Cô Tô, du lịch đảo Thanh Lân; các hoạt động truyền thông về sự kiện; ra mắt ấn phẩm du lịch Cô Tô, các ứng dụng chuyển đổi số du lịch Cô Tô 2023 và chương trình nghệ thuật đặc sắc như thay lời chào đón du khách bốn phương đến với đảo ngọc vùng Đông Bắc.

Thế mạnh du lịch biển đảo

Biển chắc chắn là ưu thế du lịch mạnh nhất của đảo Cô Tô. Nơi đây sở hữu nhiều bãi biển xinh đẹp, làn nước xanh trong tận đáy, bờ cát trắng mịn màng. Trong định hướng phát triển du lịch Việt Nam thì du lịch biển đảo là một trong bốn sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam định hướng đến 2030.

Du lịch và dịch vụ đã và đang ngày một là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của huyện Cô Tô. Nghị quyết số 18- NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cô Tô ban hành ngày 5/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 xác định dịch vụ, du lịch chiếm 65-70% cơ cấu kinh tế của huyện trong năm nay và chắc chắn sẽ còn tăng hơn nữa trong những năm tới.

Giải pháp huyện đề ra trong thúc đẩy du lịch, dịch vụ đó là đẩy mạnh công tác truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; khẳng định Cô Tô là “Điểm đến xanh, an toàn, thân thiện, hấp dẫn”. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo vịnh Hạ Long – vịnh Bái Tử Long – Vân Đồn – Cô Tô, Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh”. Thu hút nhà đầu tư phát triển du lịch biển đảo chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ với Hạ Long, Vân Đồn, Cẩm Phả, Móng Cái tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đặc sắc, cao cấp; đẩy nhanh tiến độ khai trương đường bay thủy phi cơ kết nối Tuần Châu – Cô Tô.

Cùng với chú trọng hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ, gìn giữ môi trường – yếu tố sống còn với du lịch biển đảo, huyện Cô Tô đang nỗ lực nghiên cứu, phát triển du lịch 4 mùa, thay vì chỉ một mùa hè như mọi năm. Cụ thể, huyện xây dựng phát triển chương trình tham quan 4 đảo Cô Tô lớn – Thanh Lân – Cô Tô con – Cá Chép; nâng cấp hạ tầng các bãi tắm du lịch Vàn Chảy, xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật công nhận bãi tắm du lịch Hồng Vàn, khoanh vùng bãi tắm để phát triển các dịch vụ chèo thuyền, câu cá, lướt sóng, bơi kayak, canoeing, mô tô nước, dù kéo… Xây dựng các chương trình du lịch Cô Tô từ 1 ngày đến 3 ngày; tổ chức các chương trình du lịch tham quan, ngắm bình minh, chụp ảnh tại bãi đá Móng Rồng, chùa Trúc Lâm Cô Tô; tổ chức các chương trình du lịch tham quan, ngắm hoàng hôn trên biển.

Đồng thời, huyện phát triển các dịch vụ nghỉ dưỡng với những khu resort, homestay cao cấp nhiều dịch vụ tiện ích phục vụ dòng khách cao cấp. Xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái như leo núi, đi bộ xuyên rừng, khám phá hệ sinh thái rừng tự nhiên, cắm trại. Tổ chức các chương trình du lịch gắn với tìm hiểu văn hóa của người dân, tham quan các di tích, các làng chài, cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, tổ chức cho du khách tham gia lễ thượng cờ và hát Quốc ca tại khu tượng đài Bác Hồ. Khuyến khích tổ chức các hoạt động tại tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực, tổ chức các chương trình điểm hẹn âm nhạc, âm nhạc đường phố.

Đặc biệt, tiềm năng du lịch đảo Thanh Lân giống như “nàng công chúa ngủ trong rừng” sẽ được đánh thức bởi các tour tham quan, nghiên cứu các hệ sinh thái biển; chuẩn bị các kỹ năng, các phương tiện cần thiết cho khách du lịch tham gia lặn biển ngắm san hô, hệ sinh thái biển và khám phá đáy biển tại Thanh Lân. Tổ chức cho du khách tham quan Nhà thờ Thanh Lân, các mô hình phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Phát triển các chương trình du lịch tham quan, trải nghiệm kết nối đảo Thanh Lân với các đảo Cô Tô con, Cá Chép, Thanh Mai, Đông Nam…

Với nhiều giải pháp nhằm khai thác tối đa thế mạnh du lịch biển đảo, du lịch Cô Tô hứa hẹn sẽ có thêm nhiều sản phẩm hấp dẫn, đủ sức níu chân du khách vài ngày để khám phá đảo. Năm 2023, huyện phấn đấu đón 250.000 lượt khách (tăng 16% so với năm 2022); tổng thu du lịch, dịch vụ đạt khoảng 700 tỷ đồng, đóng góp từ du lịch đạt 65-70% vào GRDP của huyện.

Báo Quảng Ninh – baoquangninh.vn – Đăng ngày 02/4/2023


Đọc thêm:

https://bonbelanha.com/co-to-dia-diem-du-lich-hot-mua-he-nay/